Hôm nay mình mạnh dạn đưa ra câu hỏi khá hay ho mà hẳn là rất rất nhiều anh chị em quan tâm đó là: làm một website WordPress tốn bao nhiêu tiền ? Hay chi phí để làm một website / blog WordPress tốn bao nhiêu ?
Mà không ổn, để mình giới hạn lại câu hỏi cho nó dễ giải quyết: làm một website WordPress vừa và nhỏ, tự quản lý thì tốn bao nhiêu tiền ? Nhớ nhé mọi người…là loại web vừa và nhỏ thôi, đồng thời phải tự quản lý chứ không có thuê mướn ai cả.
Các khoản chi phí để tạo một website WordPress
Cũng không riêng gì WordPress đâu, website làm bằng mã nguồn khác cũng đều phải bỏ chi phí tương tự thôi à. Sau đây là các khoản chi phí mà chúng ta cần đầu tư.
- Tên miền (tham khảo thêm domain là gì): Cái này là bắt buộc phải có rồi, đối với tên miền quốc tế như .com, .net,….thì từ 120.000 VNĐ nếu mua diệp khuyến mãi tốt, không thì khuyến mãi vừa cũng tầm 190k cho năm đầu tiên, năm sau thường là 300k.
- Hosting: Tạm hiểu là cái bộ nhớ lưu trữ dữ liệu website của bạn đi cho dễ (xem thêm hosting là gì để hiểu hơn). Vì web vừa và nhỏ nên chọn xài shared hosting là được rồi. Giá thuê phụ thuộc vào chất lượng của gói hosting (host bình dân hay cao cấp) ở đây mình chọn gói bình dân đi nhé ! Trung bình là 70.000VNĐ cho 1GB đầu tiên.
- Chứng chỉ SSL: Cái này giúp dữ liệu website được mã hóa trong quá trình trao đổi giữa trình duyệt và máy chủ giúp chúng được bảo vệ tốt hơn, bữa nay Google “bắt” xài cái này rồi nên phải có SSL mới được. Một số hosting hỗ trợ miễn phí, còn không chúng ta phải tự mua SSL riêng với giá tầm 300.000VNĐ/năm
- Theme và plugin: Theme là cái giao diện của website, plugin là gói tính năng bổ sung thêm. 02 món này miễn phí đầy trên kho WordPress.org. Tuy nhiên, nếu muốn có một giao diện chuyên nghiệp hơn, cũng như bổ sung thêm những tính năng cao cấp cho website thì bạn có thể mua các bản trả phí với giá thường từ 60 đến 150 USD/theme) và 20 ~ 300 USD/plugin. Đôi khi có những dịp khuyến mãi người ta sẽ bán cho bạn với giá giảm 25% đến 70% giá gốc. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về dịch vụ mua hộ hoặc mua chung. Giá sẽ thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng từ 200.000 đến 400.000 VNĐ cho một theme hoặc plugin.
- Tiền công cài đặt, vận hành: Bạn chỉ cần xem hướng dẫn rồi tự làm hết nên không có tốn tiền thuê.
Vậy chi phí làm một website WordPress tốn bao nhiêu tiền ?
Hề hề, cái này chúng ta lại tiếp tục một bước cuối cùng đó là xác định nhu cầu, tức là bạn muốn làm website loại nào (blog cá nhân, tin tức tạp chí, web bán hàng, giới thiệu doanh nghiệp,…) ? Loại cao cấp hay bình dân ? Web cần nhiều ảnh không ?
Loại website cao cấp
Với loại này, bạn xài hosting xịn, theme xịn, plugin xịn,… cái này tốn khá nhiều tiền và khá đa dạng về giá, nhất là cái mảng plugin trả phí để phục vụ cho tối ưu SEO, bảo mật và các tính năng nâng cao.
Như thằng plugin WP Rocket (39$) với thằng Yoast SEO premium (69$), iThemes Security (80$),… cộng với cái theme bản quyền lại xịn tầm 100$ nữa thì bạn phải trả: 39 + 69 + 80 + 100 = 288 USD (tức hơn 6,7tr VNĐ).
Nếu bạn dùng một gói hosting xịn cho WorPress, giá của em nó cũng tầm 300.000/ tháng (3,6tr/ năm). Tên miền thì mua năm đầu giá tầm 300.000 (có điều kiện không cần canh khuyến mãi). SSL thì host cao cấp có thể đã tích hợp sẵn. Như vậy cộng hết lại chúng ta sẽ cần: 6,7tr + 3,6tr + 300k = 10,6tr cho năm đầu tiên. Năm thứ 02 chủ yếu là chi phí cho gia hạn tên miền và host, chi phí tầm: 3,6tr+ 300k = 3,9tr
Loại website trung cấp
Loại này xài hosting bình dân thôi, tùy nhu cầu về dung lượng lưu trữ sẽ có các mức giá khác nhau. Phần theme thì chờ khuyến mãi mua một theme bản quyền tầm 25$ (525.000 VNĐ), những thứ còn lại xài hàng free hết. Ví dụ ở đây mình làm cái shop bán hàng, nó cần ảnh nhiều nên sẽ nặng hơn web thường, mình sẽ chọn host có dung lượng 2GB tầm 100.000 VNĐ/tháng (1,2tr/ năm). Như vậy, tổng chi phí sẽ là: 200.000 + 525.000 + 1.200.000 = 1.925.000 VNĐ. Năm sau gia hạn thì trừ đi tiền theme 25$ vì nó không cần gia hạn.
Loại website giá rẻ cho học sinh – sinh viên
Loại này phù hợp với các bạn học sinh, sinh viên có chi phí hạn hẹp nhưng vẫn muốn có một website để học tập và kiếm thêm thu nhập. Các bạn chỉ cần bỏ tiền mua cái tên miền 120k (canh khuyến mãi mới có giá này nhé) và gói host 30k/tháng, các thứ còn lại xài free hết. Như vậy chi phí phải trả là 360k + 120k = 380k 🙂 Đó là giá gần như bèo nhất để sở hữu một website wordpress rồi đấy.
Loại website miễn phí
Loại này dành cho các bạn không có chi phí đầu tư nhưng vẫn muốn trải nghiệm WordPress với hosting và tên miền riêng. Các bạn sẽ không tốn một đồng nào luôn nếu dùng tên miền miễn phí (.tk, .ga,..) và các dịch vụ hosting miễn phí. Cái này nhiều lắm nhé, các bạn tự tìm thêm ở Google.
Loại web, blog XỊN nhưng chi phí không cao
Nghe có vẻ sai sai đúng không nè, giống như kiểu tiền ít đòi hít . . .thơm vậy á ^^ | Nhưng hoàn toàn là sự thật. Tất nhiên để có được sản phẩm web xịn thì bạn cần phải có hosting OK, theme và plugin xịn nhà cung cấp hosting họ mua sẵn và tặng bạn luôn rồi. Tính ra nếu bạn có 01 site thì tiết kiệm mỗi năm tầm 300 USD đến 400 USD, nhưng nếu từ 3 đến 10 site thì tiết kiệm mỗi năm phải tầm 800USD.
Vậy làm thế nào để có được chiếc web xịn xò này ? . . . . . Rất đơn giản thôi, bạn sử dụng bên nhà cung cấp dịch vụ hosting có tặng theme và plugin bản quyền. Ví dụ đơn cử như bên AZDIGI họ có tặng bộ theme và plugin bản quyền lên đến 800 USD.
LỜI KẾT
bài viết này cũng coi như giải đáp một phần các thắc mắc của anh chị em đang có dự định làm một website dùng WordPress mà không biết sẽ cần đầu tư bao nhiêu tiền hay phải đầu tư vào những thứ gì.
Anh em nào có kinh nghiệm đi ngang qua có thể chia sẻ thêm về chi phí đầu tư cho website WordPress của mình để mọi người cùng tham khảo với nhé , cảm ơn anh em !
À mình cũng chia sẻ thêm, để tạo được một website như Hocban.vn mình đã phải đầu tư tầm 1,8tr trong năm đầu tiên đó các bạn ạ, trong đó tên miền .vn có phí là 830k. Nếu bạn nào cũng muốn làm một cái tương tự với tên miền quốc tế thì chỉ mất khoảng 1,2tr thôi (giá tên miền quốc tế tầm 200k đến 300k như mình đã nói ở trong bài viết).
Câu hỏi liên quan
Bên dưới là một số các câu hỏi liên quan đến chủ đề chọn hosting khi làm website bằng WordPress. Bạn có thể tham khảo qua để có thêm kiến thức, kinh nghiệm nhé !